Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là tình trạng thường gặp, nguyên nhân do bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể. Một số dấu hiệu rối loạn có thể gặp như sau sinh có kinh nguyệt rồi lại mất hoặc thậm chí 1 tháng có thể có kinh 2 lần. Vậy tình trạng này có gây nguy hiểm gì cho các bà mẹ sau sinh không? Cách điều hòa lại kinh nguyệt sau sinh như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Sau sinh, nhiều mẹ bỉm sữa gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bao gồm mất kinh hoặc chu kỳ không đều. Thời gian này có thể kéo dài hoặc ngắn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Thay vì kinh nguyệt bình thường, mẹ sẽ trải qua giai đoạn sản dịch – một loại dịch tiết chứa máu, chất nhầy và mô tử cung. Ban đầu, sản dịch có màu đỏ tươi và lượng nhiều, sau 5-8 tuần sẽ dần nhạt màu và giảm bớt.
Điều quan trọng là mẹ cần biết cách phân biệt giữa sản dịch và kinh nguyệt. Sản dịch sẽ nhạt màu theo thời gian, trong khi máu kinh nguyệt có xu hướng sẫm hơn. Các chuyên gia khuyến nghị mẹ nên dùng băng vệ sinh trong thời gian sản dịch để theo dõi lượng máu, và tránh sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Đối với những mẹ mắc các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc lạc nội mạc tử cung, kinh nguyệt có thể tiếp tục bất thường như trước khi mang thai. Nếu lo lắng về tình trạng kinh nguyệt sau sinh, mẹ nên thăm khám và tư vấn với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Sau khi phụ nữ sinh con thường gặp tình trạng rối loạn, mất cân bằng nội tiết tố đặc biệt là hormon sinh dục, đây là căn nguyên dẫn tới tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất của hiện tượng rối loạn kinh nguỵet sau sinh:
- Rối loạn hormone sau sinh: Sau sinh, nồng độ hormone progesterone và estrogen trong cơ thể nữ giới bị sụt giảm có tác động tiêu cực ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, gây hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sau sinh.
- Ảnh hưởng của việc cho con bú: Trong quá trình cho con bú, cơ thể kích thích tăng sinh hormon prolactin, hormon này có tác động ức chế quá trình rụng trứng dẫn tới tình trạng kinh nguyệt không đều, thậm chí gặp tình trạng vô kinh trong một thời gian dài sau khi sinh.
- Tác động từ quá trình sinh thường và sinh mổ: Chị em phụ nữ sinh mổ thường có thời gian phục hồi lâu hơn so với sinh thường, đây cũng là lý do vì sao chị em phụ nữ sau khi sinh mổ thì tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường nghiêm trọng hơn so với sinh thường.
- Các yếu tố khác: Căng thẳng, thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt sau sinh.
Dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt sau sinh
- Kinh nguyệt không đều: Sau khi sinh, chị em phụ nữ có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều, khoảng cách giữa các kỳ kinh lúc này thay đổi, có thể kéo dài hơn hay rút ngắn hơn.
- Rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít bất thường: Một số trường hợp chị em phụ nữ có thể gặp hiện tượng rong kinh hay kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường, trong khi có người lại chỉ ra lượng máu kinh rất ít.
- Sau sinh có kinh nguyệt rồi lại mất: Hiện tượng này là do quá trình điều chỉnh hormon sau sinh, và có thể xảy ra ở rất nhiều chị em phụ nữ. Ví dụ, sau sinh 2 tháng có kinh rồi lại mất, hoặc sau sinh 4 tháng có kinh rồi lại mất, đây là biểu hiện thường gặp trong quá trình điều chỉnh hormon.
Các tình trạng phổ biến liên quan đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh
- Rối loạn kinh nguyệt sau sinh mổ: Chị em phụ nữ sau khi sinh mổ thường có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt cũng như mức độ rối loạn nghiêm trọng hơn so với sinh thường, đồng thời cần nhiều thời gian hơn để cơ thể hồi phục hoàn toàn. Không ít trường hợp chị em phụ nữ 1 tháng có kinh 2 lần sau sinh mổ.
- Sau sinh có kinh rồi mất: Tình trạng này có thể xảy ra khi nồng độ hormon trong cơ thể vẫn chưa thực sự ổn định. Phụ nữ có thể có kinh nguyệt trong vòng một vài tháng đầu sau sinh, sau đó lại bị mất kinh.
- Mẹ đang cho con bú có kinh nguyệt: Dù việc cho con bú có thể ức chế quá trình rụng trứng và khiến kinh nguyệt chậm lại, tuy nhiên không ít trường hợp mẹ vẫn có kinh nguyệt trong thời gian này, điều này cũng là điều hết sức bình thường.
Sau sinh bao lâu thì kinh nguyệt trở lại bình thường?
Sau sinh, nếu mẹ không cho con bú, chu kỳ kinh nguyệt thường quay trở lại sau khoảng 6 – 8 tuần. Đối với những mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, chu kỳ này có thể muộn hơn, thường từ 7 – 8 tháng sau sinh. Tuy nhiên, thời điểm kinh nguyệt trở lại còn phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Một số mẹ cho con bú có thể thấy kinh nguyệt xuất hiện sau 2 – 3 tháng, trong khi người khác có thể chờ đến 8 – 10 tháng.
Trong quá trình cho con bú, mẹ có thể gặp hiện tượng chảy máu ngắn ngày, sau đó tự hết. Đây là hiện tượng bình thường và không phải dấu hiệu của việc kinh nguyệt quay trở lại. Chu kỳ sẽ chỉ thực sự bắt đầu khi bé giảm bú mẹ, ví dụ như bé ngủ lâu hơn vào ban đêm hoặc bắt đầu ăn dặm. Khi những thay đổi này xảy ra, “đèn đỏ” sẽ sớm ghé thăm mẹ.
Ngoài ra, trong lần kinh nguyệt đầu tiên sau sinh, mẹ được khuyến cáo không nên sử dụng tampon. Nếu cần, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có lựa chọn phù hợp.
Một số trường hợp kinh nguyệt xuất hiện bất thường hay gặp:
- Sau sinh 1 tháng có kinh lại có sao không: Việc có kinh sớm sau sinh không phải là điều quá bất thường, tuy nhiên chị em cần theo dõi lượng kinh nguyệt cũng như các biểu hiện khác để đảm bảo không có vấn đề gì nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe sinh sản.
- Sau sinh 1 tháng có kinh 2 lần: Nếu gặp phải tình trạng này, có thể cơ thể mẹ bỉm chưa hoàn toàn phục hồi sau sinh hay do rối loạn hormon.
- Sau sinh 4 tháng có kinh rồi lại mất: Đây cũng là hiện tượng phổ biến khi hormon trong cơ thể lúc này vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và phục hồi.
Cách khắc phục rối loạn kinh nguyệt sau sinh
- Điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh: Bổ sung các chất dưỡng chất cần thiết như sắt, canxi, vitamin D và các thực phẩm giàu hormone tự nhiên đều có tác dụng giúp điều hoà kinh nguyệt. Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn mỗi ngày và nâng cao chất lượng giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng.
- Duy trì tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể là căn nguyên gây rối loạn kinh nguyệt. Chị em nên cố gắng thư giãn, dành thời gian chăm sóc bản thân cũng như gia đình.
- Tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết: Nếu kinh nguyệt sau sinh bị rối loạn trong thời gian dài, chị em nên gặp ngay bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản.
- Các biện pháp hỗ trợ cân bằng hormone sau sinh: Bác sĩ qua quá trình kiểm tra, xét nghiệm có thể chỉ định các liệu pháp hormon và thuốc để điều chỉnh nếu cần, không ít trường hợp được kê thuốc tránh thai để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có những dấu hiệu sau đây thì chị em nên đến ngay các cơ sở y tế được được tư vấn, hỗ trợ bởi bác sĩ chuyên khoa, cụ thể:
- Dấu hiệu kinh nguyệt bất thường kéo dài: Nếu có kinh nguyệt không đều kéo dài nhiều tháng mà không cải thiện, chị em nên tiến hành thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân và cách điều trị bệnh.
- Rong kinh, chảy máu quá nhiều sau sinh: Đây là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất, tình trạng chày máu nếu diễn ra trong thời gian dài và lượng máu kinh nhiều có thể dẫn đến nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt nghiêm trọng.
- Những biến chứng nguy hiểm cần lưu ý: Nếu có biểu hiện đau bụng dữ dội, kinh nguyệt ra nhiều không kiểm soát, hoặc sốt cao, chị em nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ bác sĩ, nhân viên y tế càng sớm càng tốt.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng phổ biến nhưng cần được theo dõi chặt chẽ. Thông qua việc điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái, phụ nữ có thể kiểm soát và khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả. Nếu rối loạn kinh nguyệt kéo dài hoặc có các biểu hiện bất thường, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để bảo vệ sức khỏe sinh sản.